Bong da

Anh

David Beckham: "Tình đoàn kết làm nên thế hệ 1992"

Cập nhật: 11/10/2015 11:33 | 0

David Beckham vừa có mặt ở London để tham dự một hoạt động từ thiện. Nhân dịp này, cựu tiền vệ Man Utd đã dành cho tờ France Football cuộc trả lời phỏng vấn mà tại đó anh chia sẻ nhiều điều về M.U, về thế hệ tài năng 1992 cũng như ĐT Anh…

David Beckham:
David Beckham: "Tình đoàn kết làm nên thế hệ 1992"
GIGGS LÀ TẤM GƯƠNG LỚN NHẤT

Cuộc sống của David Beckham đã bao giờ trải qua những nghiệt ngã?

- Tôi đã gặp nhiều thuận lợi, nhiều ưu đãi để có được vị trí hiện tại. Tôi ước mơ trở thành cầu thủ và mọi chuyện đều tuần tự diễn ra. Tôi có một cuộc sống bình yên bên con cái và gia đình. Tôi từng chơi trong những CLB hàng đầu thế giới, bên cạnh những ngôi sao lớn nhất. Tôi đã 115 lần khoác áo ĐT Anh. Thành thực mà nói, khó khăn thì có, nhưng nghiệt ngã thì chưa.
 
 
Thế hệ vàng 1992 của M.U:  Ryan Giggs, Paul Scholes, David Beckham, Gary Neville, Nicky Butt và Phil Neville

Trở lại quá khứ, liệu có một thời điểm chính xác nào mà anh tự nhủ: “Ồ, đã tới lúc tôi sẽ trở thành một cầu thủ bóng đá”?

- Không. Bởi đơn giản là đam mê chơi bóng dẫn dắt tôi từ khi còn nhỏ. Ngoài ra còn có sự ủng hộ của gia đình, sự dạy dỗ của các HLV. Đó là những gì thúc giục tôi trở thành cầu thủ. Tôi không đặt mục tiêu làm cầu thủ để nổi tiếng, để kiếm nhiều tiền. Với tôi, trở thành cầu thủ chỉ để khoác lên người màu áo yêu thích M.U. 
 
Tôi luôn nhìn vào Giggs như một tấm gương lớn nhất. Một cầu thủ cống hiến trọn đời cho một CLB. Anh ấy cũng là nguồn cảm hứng của thế hệ chúng tôi (Beckham, Scholes, Nicky Butt, anh em nhà Neville), tất cả đều ngưỡng mộ Giggs. Chúng tôi, những cậu bé 15, 16 tuổi khi ấy nhìn Giggs chơi cho đội một và bảo nhau “phải làm được như anh ấy”. Tôi cũng mong sau này Giggs dẫn dắt Man Utd.

Giggs tác động tới các anh như thế nào?

- Đó là một trong những cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử CLB. Việc có một đồng đội như thế là niềm may mắn cho chúng tôi. “Nếu Giggs được HLV trao cơ hội thi đấu từ khi còn rất trẻ, tại sao các cậu lại không?” Eric Harrisson (HLV đội trẻ M.U, người đào tạo trực tiếp thế hệ 1992) nhắc đi nhắc lại điều đó với chúng tôi. Và đó là động lực khiến chúng tôi phấn đấu. 
 
Sau này nhiều người gặp tôi và hỏi “Thế hệ 1992 rốt cuộc là thế nào?”. Tôi trả lời họ rằng đó là tập thể của tình đoàn kết ruột thịt cả trong lẫn ngoài sân cỏ. Mới đây khi chúng tôi gặp lại nhau để làm phim tài liệu về thế hệ 1992, tôi thấy ngạc nhiên vô cùng. Không một chút thay đổi giữa chúng tôi sau hơn 20 năm. Chúng tôi vẫn vui đùa, trêu chọc nhau như thời còn là những cậu bé 16 tuổi.
 
 

Anh còn nhớ cơ duyên nào đưa anh đến với M.U?

- Tôi là người London, nhưng từ nhỏ đã là một fan của M.U giống như cha tôi, Ted. Thời còn ăn tập ở Tottenham với Sol Campbell, tôi mới 12, 13 tuổi nhưng đã mơ mộng khoác áo M.U. Một ngày, tôi đi đá bóng về thì được mẹ kể lại: “Có ông Malcolm Fidgen của M.U đến gặp, họ muốn con gia nhập M.U”. Tôi vẫn nhớ cảm giác lúc đó, giống như một món quà bất ngờ dịp Giáng sinh.
 
ĐT ANH CÓ THỂ VÔ ĐỊCH WORLD CUP

Giờ hãy nói về ĐT Anh, anh có lo lắng với những gì đang diễn ra tại đội bóng của Roy Hodgson?

- Không một chút nào. Tại sao ư? Vì tôi luôn có một niềm tin vững chắc rằng ĐT Anh có thể vô địch thế giới. Tôi không nói điều này để làm đẹp lòng các CĐV hay các nhà báo. Premier League là giải vô địch hay nhất thế giới. Những cầu thủ hàng đầu đều có mặt tại đây và đó sẽ là đòn bẩy cho các cầu thủ Anh. 
 
Tôi may mắn được thi đấu cho M.U vào thời kỳ của Cantona. Tôi vẫn nhớ cảm giác choáng ngợp khi lần đầu nhìn anh ấy bước vào phòng thay đồ. Đó là một trong những cầu thủ giỏi nhất mà tôi từng chơi cạnh.
 
 

Vậy ai là người xuất sắc nhất, anh hãy cho một cái tên cụ thể?

- Rất khó để trả lời câu hỏi này. Tôi đã chơi bên cạnh rất nhiều tên tuổi lớn tại M.U, rồi Real Madrid, Milan, PSG, LA Galaxy. Mỗi lần chuyển CLB, tôi lại học thêm nhiều điều. Ở M.U trước kia, tôi đã quen với nề nếp kỷ luật, đúng giờ giấc mà Sir Alex đề ra. Và khi tôi gia nhập Real Madrid, ngày đầu tiên, tôi là người đầu tiên có mặt trong phòng thay đồ. 
 
Lúc đó tôi đã thực sự giận dữ. Tôi ngồi trơ trọi một lúc cho tới khi lần lượt Raul, Roberto Carlos, Ronaldo, Figo rồi Zidane bước vào. Đó là một trong những khoảnh khắc áp lực nhất trong sự nghiệp của tôi. À, tôi chọn ra rồi, chính là Zidane. Đó là cầu thủ giỏi nhất mà tôi từng sát cánh, một cầu thủ khiêm tốn nhất nhưng cũng tài năng nhất. 
 
Trở lại với Beckham của ngày hôm nay. Đã có lúc nào anh muốn thoát ra khỏi hình ảnh một biểu tượng thành công trong mắt mọi người?
- Không. Tôi tự hào với những gì đạt được trong cuộc sống cũng như trong sự nghiệp chơi bóng. Đó là kết quả của sự chăm chỉ, điều mà tôi kế thừa từ cha mẹ. Nhiều người hỏi tôi nếu không làm cầu thủ thì biết làm gì? Tôi rất có thể sẽ trở thành một nhân viên bán xăng như cha tôi. Không bóng đá, tôi sẽ làm mọi việc để mưu sinh như bao người khác. 
 
Nhưng tôi nghĩ mình là người may mắn, khi đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ trong suốt cuộc đời. Bóng đá, suy cho cùng là một thú vui mà tôi đã chơi ở đẳng cấp cao trong 20 năm qua, và nó giúp tôi trở thành một người như hôm nay. 
 
“Sau này nhiều người gặp tôi và hỏi “Thế hệ 1992 rốt cuộc là thế nào?”. Tôi trả lời họ rằng đó là tập thể của tình đoàn kết ruột thịt cả trong lẫn ngoài sân cỏ”
 
Beckham dạy con kiếm tiền từ sớm

 

Sinh ra trong một gia đình lao động có bố là nhân viên bán xăng, mẹ làm nghề cắt tóc, Beckham phải kiếm tiền từ sớm. Khi mới 14 tuổi, Beckham đi phụ việc tại khách sạn Metropolitan (London) với mức lương 2,7 euro mỗi giờ cho các công việc lặt vặt như thu dọn vỏ chai bia, gạt tàn thuốc lá. Vì thế sau này Becks rất nghiêm khắc trong việc dạy con hiểu được giá trị đồng tiền. Cậu cả Brooklyn (ảnh) khi mới 14 tuổi được Becks gửi tới một quán cà phê làm nhân viên bưng bê.
 
Chưa thể hàn gắn Sir Alex và Roy Keane

 

Ngày 14/11 tới, Beckham tổ chức trận giao hữu từ thiện trên sân Old Trafford giữa đội các ngôi sao Vương quốc Anh & Ireland và đội các ngôi sao thế giới (có Zidane, Ronaldo của Brazil). Toàn bộ tiền vé sẽ trao cho Quỹ nhi đồng LHQ (UNICEF). David Beckham hy vọng đây là dịp hàn gắn mối quan hệ lạnh nhạt giữa Sir Alex và Roy Keane suốt 10 năm qua. Tuy nhiên, trong khi Sir Alex đã nhận lời tham dự thì Roy Keane từ chối vì không thu xếp được thời gian. 
 
Becks vẫn sợ uy Sir Alex Ferguson

 

Những năm tháng làm học trò Sir Alex để lại ký ức sâu đậm với David Beckham. Đến mức, cựu danh thủ 40 tuổi vẫn giật mình khi gặp lại người thầy cũ. “Vài tuần trước, tôi tham dự một buổi tiệc có cả Sir Alex. Khi ông ấy tiến đến gần tôi bắt chuyện, tôi vội vàng giấu ly rượu vào sau lưng. Đó là một hành động hoàn toàn bản năng. Trước kia ở M.U, chúng tôi bị Sir Alex cấm tiệt rượu chè và đi chơi đêm. Cái uy của Sir Alex với tôi vẫn không thay đổi”, Becks chia sẻ trên báo Anh gần đây.

 

 



(báo bóng đá)