Bong da

Anh

M.U, Arsenal, Chelsea rủ nhau bại trận tại cúp Liên đoàn: Lợi bất cập hại

Cập nhật: 29/10/2015 11:00 | 0

Một ngày sau khi ĐKVĐ Chelsea cùng Arsenal dừng chân ở vòng 4 cúp Liên đoàn Anh, đêm qua tới lượt ông lớn M.U nói lời chia tay giải ở trước ngưỡng cửa tứ kết.

M.U, Arsenal, Chelsea rủ nhau bại trận tại cúp Liên đoàn: Lợi bất cập hại
M.U, Arsenal, Chelsea rủ nhau bại trận tại cúp Liên đoàn: Lợi bất cập hại

Khi danh hiệu bị coi nhẹ

Được thành lập từ năm 1960 tới nay, Captial One Cup (cúp Liên đoàn Anh), tiền thân của League Cup chưa bao giờ là ưu tiên của các đội bóng lớn. Họ thường có xu hướng sử dụng đội hình hai hoặc thậm chí là đôn những cầu thủ đội trẻ lên chơi ở đấu trường này, vừa trui rèn được lớp trẻ, vừa có thể giúp các trụ cột có thời gian để nghỉ ngơi. Điển hình có thể kể đến Arsenal, khi sân chơi Cúp Liên đoàn luôn được HLV Arsene Wenger coi là giải đấu dành cho đội U21.
 
Chẳng thế mà cho đến lúc này, Arsenal mới chỉ có 2 chức vô địch trong lịch sử (1987, 1993). Ngay đến ông lớn M.U, đội bóng giàu thành tích nhất lịch sử bóng đá Anh cũng chỉ 4 lần lên ngôi tại cúp Liên đoàn Anh (1992, 2002, 2009 và 2010). Đội giàu thành tích nhất là Liverpool với 8 lần và cũng là đội duy nhất 4 năm liền bảo vệ thành công chức vô địch (1981, 1982, 1983 và 1984). Kể từ đó, sau hơn 20 năm đội bóng vùng Merseyside mới có thêm 4 lần đăng quang (1995, 2001, 2003, 2012).
 
Liverpool là đội bóng giàu thành tích nhất tại cúp Liên đoàn Anh
Liverpool là đội bóng giàu thành tích nhất tại cúp Liên đoàn Anh
Trong danh sách các đội bóng nhiều lần vô địch nhất, còn có sự xuất hiện của những đội bóng thuộc dạng trung bình như Aston Villa (5 lần), Nottingham (4 lần), Leicester (3 lần). Quãng thời gian 1 thập kỷ trở lại đây chứng kiến việc các đội bóng lớn buông giải đấu này, đơn cử như M.U hay Arsenal. Chính điều này phần nào giúp Swansea (2013), Birmingham (2011), Tottenham (2008)... có cơ hội giành chức vô địch.
 
Bên cạnh đó, cũng không hẳn quy chụp sân chơi cúp Liên đoàn Anh chỉ dành cho những đội bóng yếu, đơn cử như việc Chelsea (2015), Man City (2014), Liverpool (2011) hay M.U (2010) thay nhau lên ngôi vô địch ở 5 mùa giải gần đây. Điều này có thể thấy, tâm lý các HLV của những CLB lớn ở đấu trường này có lẽ là: Thắng thì tốt, thua cũng chẳng sao, có khi còn… vui vì đỡ phải phân tán sức tập trung vào một giải đấu không quan trọng.

Mặt tối của sự coi nhẹ

Thua một trận đấu, đánh mất cơ hội giành chức vô địch ở cúp Liên đoàn Anh có thể không ảnh hưởng quá nhiều tới các đội bóng lớn, bởi đây chỉ là sân chơi phụ với khoản thưởng quá bèo bọt. Nhà vô địch nhận mức thưởng 100.000 bảng, Á quân là 50.000 bảng, con số thua kém rất nhiều so với nhà vô địch FA Cup (3 triệu bảng), chứ chưa nói gì tới vô địch Ngoại hạng Anh.
 
100.000 bảng Anh cho một danh hiệu vô địch, khoản tiền thưởng bằng 1/3 mức lương hàng tuần của những ngôi sao cỡ như Wayne Rooney, Alexis Sanchez hay Sergio Aguero. Rõ ràng, việc các cầu thủ không mặn mà, các đội bóng lớn không hứng thú là điều không quá bất ngờ.
 
Chức vô địch cúp Liên đoàn Anh phần thưởng bằng 1/3 tuần lương của Rooney
Chức vô địch cúp Liên đoàn Anh phần thưởng bằng 1/3 tuần lương của Rooney
Tuy nhiên, vấn đề sâu xa hơn, việc các đại gia bị loại khỏi cúp Liên đoàn vô tình khiến "đám trẻ" của mình mất đi một sân chơi để thể hiện khả năng và đánh mất luôn cơ hội nhìn ra các cầu thủ trẻ tiềm năng làm lớp kế cận.
 
Tại Arsenal, HLV Wenger mới trình làng 4 tài năng trẻ Alex Iwobi, Glen Kamara, Ismael Bennacer và Krystian BIELIK. Đó là những "sao mai" đang cần nhiều môi trường để cọ xát vì không thể chen chân vào đội 1, nhưng với vỏn vẹn 90 phút ra sân là quá ít để thể hiện cũng như khẳng định giá trị bản thân.
 
Với M.U, trận đấu đêm qua là cơ hội cho James Wilson, Andres Pereira, Jesse Lingard trổ tài và về cơ bản đều để lại dấu ấn khá tốt. Thế nhưng, việc sớm dừng chân vô hình chung khiến cơ hội thi đấu của những cầu thủ trẻ được đánh giá bị thu hẹp lại, khi mà suất đá chính ở đội 1 gần như không dành cho họ.

 

 



(báo bóng đá)