Bayern Munich: Triết lý “cây nhà lá vườn” và trách nhiệm xã hội
MỘT ĐỘI HÌNH ĐIỀU HÀNH TRONG MƠ
Tháng 3 năm ngoái, Uli Hoeness lần cuối cùng tới xem Bayern Munich thi đấu ở sân nhà Allianz Arena trước khi vào trại giam Landsberg thụ án 3 năm rưỡi tù giam vì tội trốn thuế.
Ở Bayern, ban lãnh đạo CLB khẳng định cựu chủ tịch của họ vẫn là “một nhân vật cực kỳ quan trọng” với đội bóng, bất chấp án tù, theo lời người được chỉ định thay thế Hoeness, Karl-Heinz Rummenigge. Đâu là điểm chung của 2 nhà điều hành bóng đá đều đã ở tuổi lục tuần (Hoeness 63 và Rummenigge 60)? Trả lời: họ đều là những cựu danh thủ lừng lẫy đã có cả thập kỷ khoác áo đội bóng trước khi trở thành giám đốc.
Khi Hoeness được bổ nhiệm làm tổng giám đốc Bayern năm 1979, ông mới 27 tuổi và trong 10 mùa giải trước đó đã ghi 115 bàn cho CLB ở mọi giải đấu, giúp ĐT Đức giành World Cup 1974 và đưa Bayern tới 3 Cúp C1, bên cạnh những siêu sao khác như Franz Beckenbauer và Gerd Mueller, tất cả giờ đều đang làm việc ở Munich, với những vai trò khác nhau. Đó là một đội hình trong mơ của bóng đá thế giới thời kỳ những năm 1970, và vẫn là một đội hình trong mơ của thời hiện đại, để điều hành Bayern.
“Tôi khẳng định ông ấy (Hoeness) luôn cực kỳ quan trọng với đội bóng”, Rummenigge nói, “ông ấy đóng nhiều vai trò chủ chốt và là một quý ông tuyệt vời”. Ảnh hưởng của Hoeness không chỉ giới hạn trong bóng đá. Dù là dân quần đùi áo số thứ thiệt và là con trai của một người hàng thịt, ông vẫn đảm đương hoàn hảo công việc khó khăn bậc nhất thế giới bóng đá, thu hút xung quanh mình những nhà quản trị tài năng, những doanh nhân giàu có và cả các chính trị gia cấp cao để đưa Bayern lên đỉnh thế giới.
Hoeness là bạn của Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ hiến bang Bavaria Horst Seehofer, là người đã thuyết phục được các doanh nghiệp lớn trong vùng, Audi (xe hơi), Adidas (quần áo thể thao) và Allianz (bảo hiểm) tài trợ cho đội bóng, đưa HLV Pep Guardiola về CLB, và nhiều điều khác nữa.
Ở Bayern, Hoeness không chỉ là đại tổng quản, ông còn là người điều hành trực tiếp nhiều việc cụ thể: thương lượng bản quyền truyền hình, giúp các cầu thủ thêm động lực và có tâm lý thi đấu vững vàng hơn, hay thậm chí là quyết định hỗ trợ 2 triệu euro cho kình địch Borussia Dortmund khi đội này đứng trước nguy cơ phá sản hơn 10 năm trước.
Với đội ngũ lãnh đạo đó, Chủ tịch điều hành Karl-Heinz Rummenigge khẳng định Bayern vừa có thể thành công về mặt thương mại, vừa có thể gìn giữ truyền thống và đáp ứng nhu cầu của số đông CĐV. Đội bóng vùng Bavaria đã rất kiên trì quan điểm của họ trong việc xây dựng một CLB do người hâm mộ sở hữu và các cựu cầu thủ điều hành. Ở thượng tầng là Rummenigge, Beckenbauer và suốt từ năm 1979, Hoeness, tạo ra sự khác biệt cơ bản với các đội bóng trong tay chủ ngoại, giá vé trên trời, và phòng điều hành đầy những cựu giám đốc ngân hàng như ở Premier League.
VĂN HÓA BÓNG ĐÁ CỔ ĐIỂN
Chính đội ngũ điều hành cây nhà lá vườn đó đã làm mọi cách để đảm bảo Bayern, trong khi vẫn là đội bóng lớn nhất nhì châu Âu, có thể đảm bảo cho 16.000 CĐV của họ được xem thứ bóng đá chất lượng hàng đầu với giá vé cả mùa chỉ 150 euro (4,3 triệu đồng).
Hoeness và Rummenigge đều rất tự hào về điều đó, trong khi những nhà điều hành làm thuê ở Premier League hẳn coi đó là một thất bại. Đó chính là điểm khác biệt giữa những người từng xỏ giày đá bóng, từng được nghe các CĐV hò hét tên mình trên sân và những kẻ có bằng quản trị kinh doanh nhưng không hiểu gì về cảm xúc mà bóng đá mang lại.
“Chúng tôi phải quan tâm tới trách nhiệm xã hội của một CLB bóng đá”, Rummenigge nói. “Chúng tôi có vé đắt, ở khu VIP, và nhờ đó chúng tôi có thể bán vé đứng với giá khoảng 7,5 euro/trận, rẻ hơn so với đi xem phim ở rạp tại Munich. Một người nghèo, thậm chí là thất nghiệp, có thể tới sân xem bóng đá. Đó là nghĩa vụ của chúng tôi.
Tôi tin rằng đó là một phần câu chuyện thành công của Bundesliga; mỗi CLB cẩn thận tính toán để không tính giá vé quá cao; và nếu bạn xem các trận đấu qua truyền hình, bạn sẽ thấy sân luôn kín khán giả, một bầu không khí tuyệt vời, các CĐV ca hát và nhảy múa. Tôi cho rằng nhiều CĐV ở Anh thấy Bundesliga gần gũi vì kiểu văn hóa bóng đá cổ điển vẫn còn ở Đức”.
Các đội Bundesliga cũng phải do CĐV sở hữu, ngoài vài ngoại lệ mang tính lịch sử. Ở Bayern, các thành viên có đăng ký, hiện là 225.000 người, vẫn sở hữu 82% đội bóng và bỏ phiếu 3 năm một lần cho các vị trí lãnh đạo cấp cao, dễ hiểu là các cựu cầu thủ sẽ thắng cử.
Sau khi đã bán 18% cổ phần còn lại vào các năm 2002 và 2009 cho hai đại tập đoàn Adidas và Audi, thu về 165 triệu euro, rồi góp tiền đó vào xây sân bóng trị giá 346 triệu euro. Sau khi bán nốt quyền đặt tên cho hãng bảo hiểm Allianz, phần tiền vay để trả chi phí xây sân được thanh toán qua mọi trận đấu đều bán sạch vé kể từ khi nó khai trương vào năm 2005, và mọi chi phí dự kiến sẽ được thanh toán dứt điểm vào năm 2018.
Hiện CLB không có kế hoạch bán thêm cổ phần, theo lời Rummenigge, bất chấp nhiều đề nghị mua lại. “Chúng tôi nhận được một số đề nghị từ khắp nơi trên thế giới, từ Mỹ, từ các nước Ả rập, muốn đầu tư vào Bayern”, ông nói, từ chối nêu tên cụ thể. “Nhưng chúng tôi đều đã từ chối. Vì rõ ràng là các CĐV không thích và chúng tôi, thành thật mà nói, cũng không thích. Có lẽ vì tôi từng chơi bóng ở trình độ cao nhất, tôi tin rằng chúng ta phải thận trọng trong bóng đá. Chúng tôi hy vọng Bayern Munich có thể trở thành một điển hình; duy trì mô hình CLB của mọi người, để các cựu cầu thủ tham gia quản lý, cơ bản là thế. Ở Anh, một CLB có thể thuộc sở hữu của một hoàng thân Ả rập. Ở đây là một triết lý khác”.
Giá như có nhiều hơn những người hiểu bóng đá trở thành nhà điều hành như thế.
Tứ trụ của Bayern Ngoài Hoeness đang phải thụ án tù, Bayern hiện được điều hành bởi 3 nhân vật chủ chốt đều là cựu cầu thủ. Chủ tịch danh dự Franz Beckenbauer từng khoác áo CLB từ 1964 tới 1977 và làm HLV giai đoạn 1993-1994 và vài tháng năm 1996. Ông cũng có 103 trận khoác áo ĐT Tây Đức, ghi 14 bàn và giành chức VĐTG năm 1974. Chủ tịch điều hành Karl-Heinz Rummenigge là một tiền đạo lợi hại của Bayern giai đoạn 1974-1984, ra sân 310 trận ở Bundesliga, ghi 162 bàn. Ông đã ở trong ủy ban điều hành CLB từ năm 1991 tới nay. Giám đốc thể thao Matthias Sammer là một trong những cầu thủ xuất sắc nhất lịch sử bóng đá Đức, đội trưởng ĐT Đức vô địch EURO 1996 và giành Champions League với Borussia Dortmund năm 1997. Cựu chủ tịch Uli Hoeness hiện đang ngồi tù, nhưng là người đã có công lớn gầy dựng Bayern thành một đội bóng như hiện giờ. Nhà điều hành 63 tuổi này chơi cho Bayern giai đoạn 1970-1979, ra sân 239 trận và ghi 86 bàn ở Bundesliga. Từ tháng 1/2015, ông đã được cho phép ra khỏi nhà tù vào ban ngày, nhưng phải trở lại vào lúc 6 giờ tối. |