Bong da

Việt Nam

Ngai vàng của Thái Lan không 'từ trên trời rơi xuống'

Cập nhật: 22/06/2015 00:14 | 0

Chiến thắng tuyệt đối ở SEA Games 28 và trước đó nửa năm là AFF Suzuki Cup 2014 đủ để thấy rằng bóng đá Thái Lan đã tái thiết lập sự thống trị của mình ở khu vực Đông Nam Á. Thậm chí, người Thái còn đang hiện thực hóa mục tiêu xa hơn là vươn tầm châu lục và thế giới.

Ngai vàng của Thái Lan không 'từ trên trời rơi xuống'
Ngai vàng của Thái Lan không 'từ trên trời rơi xuống'
THỐNG TRỊ TUYỆT ĐỐI, VƯỢT XA TẦM KHU VỰC 
 
Quan trọng hơn, lực lượng đang giúp Thái Lan khẳng định uy thế vượt trội trong khu vực có tuổi đời còn rất trẻ như Chanathip Songkrasin, Sarach Yooyen, Artit Daosawang hay Tanaboon Kesarat… Điều đó đủ để thấy rằng Thái Lan sẽ còn tiếp tục “làm mưa làm gió” trong khu vực nhiều năm nữa. 
 
CHÚ TRỌNG ĐÀO TẠO TRẺ VÀ RÈN LUYỆN KỸ NĂNG
Tuy nhiên, đã từ lâu, tham vọng của người Thái không chỉ đơn thuần quẩn quanh trên bình diện “ao làng” nữa. Cách đây gần một thập kỷ, họ bắt đầu hướng tầm nhìn đến một kế hoạch to lớn hơn. Đó là góp mặt ở VCK World Cup. Và để hiện thực hóa tương lai trước mắt ấy, người Thái đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ tinh thần, chiến lược, tư duy. 
 
Họ không ngần ngại bỏ qua một vài kỳ SEA Games hay AFF Suzuki Cup để tập trung công tác đào tạo, phát triển tài năng trẻ cũng như có được lực lượng tối ưu tranh tài ở đấu trường châu lục. 
Các học viện đào tạo bóng đá trẻ theo mô hình chuyên nghiệp như Arsenal Soccer Schools (hệ thống thuộc quản lý của CLB Arsenal), Can you kick it, Bangkok Soccer School hay Infinito Soccer & Gumnastics School lần lượt xuất hiện nhằm phát hiện, bồi dưỡng tài năng trẻ Thái Lan ngay từ khi còn rất nhỏ. 
Sở hữu nhiều học viện đào tạo bóng đá theo kiểu mẫu châu Âu với khá nhiều HLV đến từ Anh Quốc nhưng tư duy đào tạo của họ linh hoạt ở chỗ, nhận thấy cầu thủ Thái Lan không có ưu thế về tầm vóc như ở châu Âu, họ chuyển hướng cho họ tập trung vào mảng kỹ thuật như kiểm soát bóng, rê dắt, chuyền và sút bóng. Khi có kỹ thuật tốt thì cầu thủ có thể chơi tốt ở mọi sơ đồ chiến thuật.
Không phải tự dưng những Sarach Yooyen hay Chanathip Songkrasin có thể xử lý bóng nhẹ nhàng, đi bóng thong dong và tung ra những đường chuyền có độ chính xác cao cho đồng đội đến như vậy. Bởi đơn giản đó là kết quả của sự đào tạo bền bỉ, chiến lược hợp lý trong suốt một thời gian dài của người Thái.
Bên cạnh chú trọng, phát triển tài năng trẻ, Thái Lan không ngừng tăng tính cạnh tranh vào giải VĐQG đất nước này. Tên giải đấu Ngoại hạng - Thai Premier League phần nào cho thấy tầm vóc, sức hấp dẫn của giải đấu. Và chính điều đó cung cấp cho Thái Lan một loạt các cầu thủ chất lượng, có trình độ và đẳng cấp dần vượt tầm Đông Nam Á.
HIỆN THỰC HÓA THAM VỌNG LỚN
Quay trở lại 6 tháng trước, thời điểm Thái Lan lần đầu tiên sau 12 năm mới giành chức vô địch đấu trường khu vực trở lại (AFF Suzuki Cup 2014), báo chí xứ Chùa Vàng thay vì vuốt ve, ca ngợi thì lập tức “chỉnh đốn” ngay hoài bão của thầy trò HLV Kiatisak. 
Tờ National Multimedia đưa quan điểm rõ ràng khi đó: “Chức vô địch Đông Nam Á đơn thuần chỉ là một bước đi trong tiến trình hướng đến mục tiêu cao nhất là khẳng định mình trên bản đồ bóng đá thế giới. Trở lại là đội bóng hàng đầu khu vực không còn là thước đo cho sự thành công của chúng ta. 
Bởi mục đích cao cả nhất chính là đạt đến đẳng cấp ngang tầm những đội bóng hàng đầu châu Á như Iran, Nhật Bản, Hàn Quốc, Uzbekistan và UAE. 12 năm trước, HLV Kiatisak đã vô địch Đông Nam Á khi còn là cầu thủ. Chẳng có nghĩa lý gì khi chúng ta mất cả một thập kỷ chỉ để quay trở lại điểm mốc ấy. 
Có thể sẽ mất nhiều thời gian nữa để Thái Lan chinh phục giấc mơ World Cup và vì vậy, chúng ta cần nhiều hơn những tài năng trẻ như Chappuis hay Songkrasin…”
Thái Lan thực sự đang từng bước đi theo triết lý ấy. HLV Kiatisak chấp nhận hy sinh việc nắm quyền U23 Thái Lan ở SEA Games 28 cũng chỉ để theo đuổi đến cùng giấc mơ đưa đội tuyển Thái Lan trở thành 1 trong 32 đội bóng góp mặt ở VCK toàn cầu. 
Họ đã và đang đi từng bước vững vàng trên tiến trình ấy. Hai chiến thắng 1-0 trước Việt Nam và 2-0 trước Đài Loan (Trung Quốc) giúp người Thái tiến gần hơn đến VCK Asian Cup 2019 hay ở tầm vóc lớn hơn là World Cup 2018 tổ chức tại Nga.
Phải thừa nhận, bóng đá Thái Lan đang tạo ra một khoảng cách đáng kể so với bình diện Đông Nam Á. Và để có được một bước nhảy vọt vượt tầm khu vực thì tham vọng và chính sách của họ chính là những yếu tố quyết định hàng đầu.
Những con số ấn tượng
108 Số bàn thắng ghi được sau 29 trận tại SEA Games 28. Nhiều nhất trong tổng số các kỳ SEA Games tính từ năm 2001
3,72 Hiệu suất ghi bàn trung bình 1 trận là 3,72 bàn. Đứng thứ 3 sau SEA Games 2009 (4,1 bàn/trận) và SEA Games 2003 (3,75 bàn/trận).
24  U23 Thái Lan là đội có hàng công tốt nhất lịch sử SEA Games tính từ năm 2001 khi ghi được 24 bàn thắng.
1 U23 Thái Lan cũng là đội có hàng thủ tốt nhất lịch sử SEA Games khi chỉ để thủng lưới vỏn vẹn 1 bàn.
7 U23 Thái Lan là đội đầu tiên vô địch SEA Games khi giành tới 7 chiến thắng tuyệt đối. 
23: U23 Việt Nam ghi tới 23 bàn thắng ở SEA Games 28. Đây là hàng công tốt nhất mà chúng ta có được trong 1 kỳ SEA Games.
5 Có 3 cầu thủ đồng giải vua phá lưới khi ghi được 5 bàn thắng là Sithu Aung (Myanmar), Chananan (Thái Lan) và Võ Huy Toàn (Việt Nam).
 

 




(báo bóng đá)