Bong da

World Cup

WC 2014: Thời khắc cuối cùng của những huyền thoại?

Cập nhật: 09/09/2013 10:06 | 0

Vòng loại World Cup 2014 ở khu vực châu Âu tới đây có thể là cơ hội cuối cùng mà chúng ta còn được chứng kiến rất nhiều những huyền thoại sống thi đấu.

 

Sau khi Pirlo hay Gerrard giải nghệ, bóng đá thế giới khó tìm thấy những biểu tượng như họ

 

Làn gió trẻ hóa đang thổi qua các đội tuyển châu Âu, nhưng chưa thể làm lung lay những biểu tượng. Vòng loại World Cup 2014 ở khu vực châu Âu tới đây có thể là cơ hội cuối cùng mà chúng ta còn được chứng kiến rất nhiều những huyền thoại sống thi đấu. Pirlo, Xavi, Gerrard… không chỉ đá bóng. Họ còn trình diễn những giá trị vĩnh cửu. Hãy điểm danh và chiêm ngưỡng những dấu ấn cuối cùng của những biểu tượng bóng đá đồ sộ này.

NAM PIRLO - BẮC XAVI - TÂY GERRARD
Những huyền thoại sống được nhắc tới ở trên không chỉ chơi bóng. Họ tạo ra khí chất của cả nền bóng đá. Tờ Telegraph bình luận về Pirlo sau World Cup 2006: “Italia chơi bóng bằng đầu, và anh ta là bộ não đắt giá nhất”. Pirlo, được gọi là “Il Metronomo - Máy đếm nhịp”, đã bắt nhịp cho đội Italia 11 năm, và luôn đáng tin cậy.

Năm ngoái, với Pirlo, Juventus chỉ thua đúng 2 trận, một thành tích phi thường. Sự thông thái của Pirlo không chỉ được cảm nhận qua một vài trận đấu, mà nó là một quá trình dài mà rất ít khi anh đánh mất những ấn tượng đã tạo được. Ngay cả ở EURO 2012, với một đội hình bệ rạc, Pirlo vẫn là trái tim của ĐT Italia.

 

Pirlo là "cỗ máy đếm nhịp" của Italia suốt 11 năm qua


Ngoài biểu tượng Pirlo, người Italia còn có một tượng đài sừng sững nữa là Gianluigi Buffon. “Người nhện” Buffon là một thủ môn kiểu Italia chính hiệu, bắt bóng bằng phán đoán nhiều hơn là phản xạ (dù phản xạ của anh cũng rất tuyệt vời).

Ermes Fulgoni, người đã đưa anh về đội trẻ Parma cách đây hơn 20 năm, nhớ lại: “Tôi xem cậu ta thi đấu và về nhà nói với vợ rằng, hôm nay tôi được chứng kiến một thằng bé tuyệt vời, nó chẳng có kỹ thuật gì cả, nhưng cứ cứu thua liên tục”.

Trong khi đó, TBN lại tự hào với huyền thoại sống Xavi. Ở nền bóng đá này có hàng trăm tiền vệ chuyền bóng giỏi, nhưng Xavi là độc nhất vô nhị. Đồng đội thường gọi anh là “Maki - Cỗ máy”.

Chuyền, chuyền nữa, chuyền mãi. Xavi làm công việc ấy chăm chỉ và đều đặn như một chú kiến thợ, đến mức mà Marca một lần mô tả rằng “anh ấy đánh răng mỗi sáng bằng cách… chuyền bóng”. Xavi là người nhẫn nại nhất, và điều đó khiến anh trở thành trái tim của đội TBN.

Còn Sư tử Anh thì vẫn phải dựa vào ý chí của Gerrard. Có lẽ vẫn chưa ai quên cuộc lội ngược dòng vĩ đại của Liverpool trước AC Milan do anh phát động tại chung kết Champions League 2005.

 

Steven Gerrard


Sát cánh cùng với Gerrard là hình tượng “Người không phổi” Frank Lampard, tiền vệ từng lập một kỷ lục vô tiền khoáng hậu, với 164 trận ra sân liên tiếp ở Premier League, một giải đấu “xay” thể lực kinh khủng.

GIÁ TRỊ SỐNG CÒN CỦA BIỂU TƯỢNG
“Những biểu tượng được sản sinh ra từ sự kiên định với những giá trị bản thân, trong một thời gian rất dài, phù hợp với những đặc thù của mỗi nền bóng đá. Những đứa trẻ TBN muốn trở thành Xavi, không chỉ vì kỹ thuật siêu đẳng của anh ấy, mà vì chúng cảm nhận được rõ ràng nhất phẩm chất TBN trong hình tượng Xavi. Đó là một ấn tượng được xây dựng từ ngày này qua ngày khác, kiểu nước chảy đá mòn”.

Đoạn trích trên là lời bình luận về các huyền thoại sân cỏ sống của nhà báo Graham Hunter, tác giả của cuốn sách “Barca: Điều gì làm nên đội bóng vĩ đại nhất thế giới”. Theo ông, sức mạnh vô hình ấy trao cho họ khả năng tạo cảm hứng: Khi anh được thừa nhận là tính cách của một nền bóng đá, thì bất cứ quyết định nào của anh trên sân cũng tạo được sự tin tưởng.

Bóng đá Italia có Buffon và Pirlo là một đội bóng vững chãi và thông minh hơn, vì các cầu thủ trẻ, những người cũng bị ấn tượng dẫn dắt, tin là như thế. TBN đã vận hành lối chơi rất nhẫn nại để chiến thắng trong nhiều năm, nhờ sự kiên trì của Xavi.

Đội tuyển Anh, chưa bao giờ có duyên với các giải đấu lớn, luôn cần tinh thần của Gerrard và Lampard, dù một thời, chuyện kết hợp họ sao cho không giẫm chân nhau còn là vấn đề lớn về chuyên môn của Tam Sư. Nhưng khi nhìn thấy bộ đôi này vẫn miệt mài chiến đấu, người Anh nhìn thấy linh hồn của họ trong đó: Cống hiến hết mình, tận tụy và bền bỉ

Vòng loại World Cup 2014 lần này là một trong những cơ hội xem họ thi đấu cuối cùng của chúng ta. Tính cách của một đội tuyển có thể thay đổi rất nhanh, thậm chí biến mất theo những huyền thoại sống, khi họ lùi vào sau cánh gà, trong một thời đại mà những biểu tượng bóng đá ngày càng khan hiếm hơn.

 

Xavi Hernandez


ĐIỂM CHUNG CỦA CÁC BIỂU TƯỢNG ĐƯƠNG ĐẠI
Xuất phát điểm tầm thường

Khi Andrea Pirlo ra mắt Brescia lúc mới 16 tuổi 2 ngày. Cả Italia cười ầm khi đọc trại tên anh thành Pirla, có nghĩa là… “thằng ngốc”. Anh bị chế giễu bởi một lý do lãng nhách. Gianluigi Buffon bắt đầu hành trình huyền thoại của mình từ vị trí… tiền vệ, năm 12 tuổi. Anh chỉ trở thành thủ môn sau World Cup 1990, vì ấn tượng đặc biệt với Thomas N`Kono - thủ môn của ĐT Cameroon.

10 năm trước, Xavi bị HLV Louis van Gaal đẩy về vị trí pivote (tiền vệ trụ), và không tìm được chỗ đứng ở Barcelona, đừng nói là đội tuyển TBN. Còn tiền vệ Steven Gerrard cũng quá đỗi tầm thường trước khi ra mắt ĐT Anh năm 18 tuổi. Những huyền thoại ấy đều không phải là thần đồng.

Nhưng bây giờ, cả Italia nhắc đến tên Pirlo với sự kính trọng. Xavi, đã 33 tuổi, vẫn khiến những người TBN lo lắng khi nghĩ đến ngày anh giải nghệ. Một năm trước, khi Steven Gerrard chạm mốc 100 lần khoác áo Tam Sư, tờ Guardian gọi anh là “Người cuối cùng của thế hệ Vàng”.

Họ vẫn còn quên mất Frank Lampard, cầu thủ 7x duy nhất trong đội hình rất trẻ trung của Tam Sư đợt tập trung lần này. Phía sau họ cũng có không ít tuyển thủ kỳ cựu, nhưng truyền cảm hứng cho các thế hệ tiếp theo không phải là công việc mà cứ lên tuyển nhiều là có thể làm được.

 

Nguồn: Tổng hợp